Review Transcend ESD310C, kích thước USB, tốc độ SSD
CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN S.C.O.M
Thứ Năm,
30/11/2023
Nội dung bài viết
Review Transcend ESD310C, kích thước USB, tốc độ SSD
Trong bài viết này, mình sẽ review chi tiết chiếc ổ cứng Transcend ESD310C sau một tháng trải nghiệm và sử dụng. Transcend có có các mức dung lượng 256 GB , 512 GB, 1 TB và 2TB. Phiên bản mình đang sử dụng có dung lượng 512GB.
Thông tin cơ bản
Dưới đây là một số thông tin cơ bản của ESD310C, ngoài ra các bạn có thể xem chi tiết hơn ở trang chủ của sản phẩm:Kích thước: 71.3 mm x 20 mm x 7.8 mm
- Khối lượng: 11 g
- Dung lượng: 256 GB/ 512 GB/ 1 TB/ 2 TB
- Tốc độ đọc-ghi: lên tới 1050-950 MB/s
- Cổng kết nối: USB-A, USB-C
- Chuẩn kết nối: USB 3.2 Gen 2×1 (10Gbps)
- Giá tham khảo lần lượt là 950,000/ 1,350,000/ 1,890,000 cho các phiên bản 256GB/ 512GB/ 1TB
- link mua hàng: vitinhscom.vn
Ngoại hình và thiết kế
Các bạn nhìn thông số và ảnh chụp sẽ có thể hình dung được ngay ưu điểm lớn nhất của sản phẩm này đó là rất nhỏ và rất nhẹ, chỉ như một chiếc USB, nhưng mà lại là ổ cứng SSD. Ngoài ra Transcend còn có một mẫu SSD di động nhỏ gọn khác nữa là ESD300 được lược bỏ đi cổng USB-A giúp kích thước chỉ còn là 60.1 x 20mm. Nhưng cá nhân mình thấy có 2 cổng A-C vẫn sẽ tiện hơn ở thời điểm nàyDưới đây sẽ là một vài bức ảnh của ESD310C:
Mình có chụp ảnh so sánh chiếc USB Transcend JFV30 từ khoảng những năm 2006 và ESD310C được ra mắt vào 2023 để thấy công nghệ nói chung và công nghệ lưu trữ nói riêng đã phát triển như thế nào. Sau gần 20 năm, cùng 1 kích cỡ, từ 1GB có thể lên 1TB và tốc độ từ 3-4MB/s có thể tăng lên 1GB/s
Ưu điểm thứ hai đó là ESD310C tích hợp cổng kết nối ở 2 đầu, một cổng Type-C và một cổng Type-A, có thể đáp ứng gần như mọi thiết bị di động hiện nay.
Ưu điểm thứ 3 là phần vỏ của ESD310C, ngoại trừ phần nắp đậy cổng kết nối, được hoàn thiện bằng kim loại, giúp tăng độ bền cũng như hỗ trợ tản nhiệt cho chiếc ổ cứng này.
Vậy còn nhược điểm. Thiết kế dạng cổng kết nối liền thân rất tiện, vì chúng ta sẽ không phải mang theo nhiều dây cáp lằng nhằng, tuy nhiên bề ngang của chiếc USB này vẫn sẽ hơi lớn hơn các cổng kết nối, vì vậy, nếu thiết bị có 2 cổng kết nối quá gần nhau, khi chúng ta sử dụng ESD310C cũng có thể che bớt vào các cổng kết nối bên cạnh khiến chúng ta không cắm được các kết nối lân cận.
Vì vậy, nếu các bạn hay cắm nhiều thiết bị cùng lúc, phải cân nhắc điểm này. Thực tế khi mình sử dụng với MacBook Pro 2017, mình có thể cắm ESD310C cùng với dây sạc theo máy là đã khít khịt, còn nếu cần cắm Hub vào sẽ không được, vì đầu cắm hub cũng hơi to hơn đầu cáp sạc.
Mình có đo thêm kích thước cụ thể từ mép cổng kết nối ra đến cạnh bên để các bạn có thể tham khảo
- Từ mép cổng C ra cạnh bên: ~6mm
- Từ mép cổng A ra cạnh bên: ~4mm
Nắp đậy của ESD310C được thiết kế gần như cân xứng, một mặt phẳng và mặt còn lại hơi có phần làm cong nhẹ lên để chúng ta dễ dàng mở ra và đóng lại. Nhưng chưa dừng lại ở đó, nếu bạn đóng nắp ngược chiều, bạn sẽ biết ngay, vì nắp chỉ được thiết kế gần như cân xứng. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần đóng nắp đúng chiều, còn nếu không thì… sẽ như ảnh dưới.
Tiếp đến mình sẽ nói chi tiết hơn về những thứ quan trọng hơn cả đó là hiệu năng sử dụng thực tế.
Nhiệt độ
Khi nhìn thấy kích thước của ESD310C cũng như tốc độ và dung lượng của chiếc ổ cứng này, chắc chắn nhiều anh em sẽ có thể đoán được chiếc ổ này sẽ nóng đây. Nhưng nóng ra sao và nóng bao nhiêu độ?Mình có làm khá nhiều bài test với ổ cứng này và có đo nhiệt độ của ESD310C bằng phần mềm Crystal Disk Info. Khi hoạt động, cụ thể là khi đọc ghi dữ liệu, ESD310C nóng lên khá nhanh, sau vài chục giây hoạt động là đã lên 60 độ. Nhưng, có lẽ nhà sản xuất đã có giới hạn và tinh chỉnh để nhiệt độ giữ nguyên ở 60 độ mà không tăng thêm dù mình test liên tục khá nhiều.
Về tản nhiệt sau tải không nhanh lắm, tất nhiên là mình đang so với những chiếc ổ có thiết kế lớn hơn nên cũng sẽ tản nhiệt nhanh hơn để đưa ra nhận định này. Từ 60 độ, sau 1 phút, ESD310C giảm xuống 58 độ, sau 3 phút là 55 độ và sau 5 phút giảm đến tầm 52-53 độ và duy trì ở mức đó.
Một vấn đề nữa liên quan đến nhiệt độ đó là thermal throttling (giảm hiệu năng để điều chỉnh nhiệt), mình chưa thấy gặp vấn đề đó, dù đang nóng 60 độ nhưng ESD310C vẫn giữ được tốc độ truyền tải rất cao.
Về trải nghiệm cầm nắm, vỏ kim loại đem lại cảm giác chắc chắn nhưng cũng truyền nhiệt rất tốt, vì thế ESD310C sẽ rất nóng nếu như vừa đọc ghi dữ liệu nặng xong. Vì vậy sau khi sử dụng, bạn nên để yên tầm 5 phút rồi mới chạm vào sẽ dễ chịu hơn.
Tốc độ
ESD310C hỗ trợ giao thức USB 3.2 Gen 2×1 10Gbps và tốc độ tối đa mà nhà sản xuất đưa ra là 1,050 và 950 MB/s cho việc đọc và ghi. Đây là một ngưỡng tốc độ khá phổ biến cho SSD di động vào thời điểm này.Mình có test bằng ứng dụng Crystal Disk Mark trên Windows, cấu hình test là main Asus Prime B450M-A có cổng USB 3.1 Gen 2, CPU AMD Ryzen 5 2600, 16GB RAM. Mình setup bài test chạy 3 lần, mỗi lần 4GiB (~4.3GB) dữ liệu, cho ra tốc độ đọc-ghi tối đa là 995 và 935 MB/s. Bài test tương tự nhưng trên cấu hình MacBook Pro 2017 chạy Win 10 Bootcamp là 1049 và 948 MB/s – rất sát với mức công bố của nhà sản xuất.
Với ứng dụng Disk Speed Test của Blackmagicdesign trên MacBook Pro 2017, tốc độ đọc ghi cho ra là 932.0 và 863.7 MB/s (thường với những ổ cứng mình đã test, hầu hết tốc độ trên Mac OS luôn thấp hơn trên Windows).
Sự ổn định
Mình cũng có cho chạy Disk Speed Test 20 lần liên tục với mức dữ liệu 5GB cho mỗi lần test, mỗi lần test đều ghi, đọc, xoá, lặp lại, mình không thấy có dấu hiệu bị suy giảm tốc độ. Như đã đề cập ở trên, ESD310C không gặp vấn đề với thermal throtlling.Tuy nhiên với bài test tải nặng liên tục có vẻ như đã làm khó được ESD310C 512GB. Mình ghi một lượng lớn dữ liệu, khoảng 250GB vào ESD310C và thấy rằng sẽ có khoảng 25GB đầu đạt đến tốc độ cao nhất tầm 850-900MB/s, từ 25GB đến 130GB tiếp theo, tốc độ ổn định ở mức 800-830MB/s, từ 130GB đến 150GB tốc độ suy giảm còn 650-680MB/s và từ 150GB trở đi, khi SLC cache đã không còn có thể đáp ứng, tốc độ sụt giảm hẳn chỉ còn ở ngưỡng 60-70MB/s. Phần này mình test bằng ứng dụng HD Tune Pro trên Windows. Lưu ý một điểm đó là ổ ssd có dung lượng lưu trữ càng lớn, cũng thường sẽ có SLC cache lớn.
Điều này cũng không quá khiến mình bất ngờ vì để thu nhỏ được mức dung lượng cao vào một thiết bị siêu nhỏ, chắc chắn các hãng sẽ phải sử dụng cấu hình SLC cache kế hợp với TLC hoặc QLC nhằm thu nhỏ không gian lưu trữ. Đây là phương pháp mà nhiều nhà sản xuất SSD vẫn đang sử dụng.
Quay lại với ESD310C, cá nhân mình sau khi tham khảo nhiều dòng SSD khác tại ssd-tester.com cũng chạy bài test HD Tune giống mình, có thể thấy dung lượng SLC cache của ESD310C khá cao, đạt mức 150GB khi so sánh với 5-50GB của các ổ cứng của những thương hiệu khác. Tuy nhiên, các dòng ổ cứng đó lại có tốc độ sau khi tràn cache tương đối tốt, hầu như là rơi vào tầm 100-300MB/s. Tất nhiên, hầu hết các ổ cứng mình tham khảo được trên ssd-tester đều là những ổ có kích thước lớn hơn nhiều so với ESD310C.
Việc copy vài trăm GB dữ liệu cùng lúc cũng không phải là một công việc hàng ngày mà chúng ta thường xuyên làm, vì vậy, nhược điểm này cũng có thể sẽ không quá gây khó chịu. Và chúng ta cũng có một vài giải pháp để phần nào khắc phục được chuyện này đó là:
- Chia nhỏ file ra để mỗi lần copy một ít, dành thời gian cho ổ cứng giải phóng SLC cache giữa mỗi lần
- Tiếp tục cắm ổ cứng sau khi copy file lớn xong để controller tự điều tiết dữ liệu từ SLC cache sang các chip nhớ khác, nơi mà dung lượng cao nhưng tốc độ thấp hơn, để lần truy xuất tiếp theo có thể đạt hiệu năng tốt trở lại
Tổng kết
Mình sẽ tóm tắt ưu và nhược điểm của sản phẩm này ở bảng dưới
Với những ưu và nhược điểm như vậy, chiếc ổ cứng này sẽ phù hợp với những bạn thích sự nhỏ gọn và coi đây là tiêu chí hàng đầu, ưu tiên tính di động cao, thường có các dữ liệu không quá lớn và ít khi phải ghi một lượng lớn dữ liệu trong cùng một thời điểm.
Trong bài viết này, mình chưa đánh giá được về độ bền cũng như là sự ổn định lâu dài vì cũng mới sử dụng một thời gian ngắn, mình sẽ tiếp tục cập nhật ở các bài review trong tương lai.
nguồn: tinhte